Home Kiến thức Doanh thu chưa thực hiện là gì? Cách hạch toán tài khoản...

Doanh thu chưa thực hiện là gì? Cách hạch toán tài khoản 3387

1153
doanh thu chưa thực hiện

Doanh thu chưa thực hiện hay còn gọi là doanh thu khách hàng trả tiền trước cho một hoặc nhiều kỳ. Vậy cách hạch toán doanh thu chưa thực hiện như thế nào? Hãy cùng MISA meInvoice đọc bài viết dưới đây để nắm rõ hơn.

1. Doanh thu chưa thực hiện là gì?

1.1. Doanh thu chưa thực hiện là gì?

Căn cứ theo khoản 2 điều 57 Thông tư 200/2014-TT/BTC nêu rõ khái niệm về doanh thu chưa thực hiện như sau:

Doanh thu chưa thực hiện phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp trong kỳ kế toán, gồm doanh thu nhận trước như:

  • Số tiền của khách hàng đã trả trước cho một hoặc nhiều kỳ kế toán về cho thuê tài sản.
  • Khoản lãi nhận trước khi cho vay vốn hoặc mua các công cụ nợ.
  • Các khoản chưa thực hiện khác: Khoản chênh lệch giữa giá bán hàng trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả tiền ngay, khoản doanh thu tương ứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc số phải chiết khấu giảm giá cho khách hàng trong chương trình khách hàng truyền thống.

Doanh nghiệp KHÔNG thực hiện hạch toán vào tài khoản 3387 – doanh thu chưa thực hiện các khoản sau:

  • Tiền nhận trước của người mua mà doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ
  • Doanh thu chưa thu được tiền của hoạt động cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ nhiều kỳ (doanh thu nhận trước chỉ được ghi nhận khi đã thực thu được tiền, không được ghi đối với TK 131 – phải thu của khách hàng)

doanh thu chưa thực hiện

1.2. Doanh thu chưa thực hiện khác gì người mua trả tiền trước?

Dưới đây là bảng so sánh doanh thu chưa thực hiện và người mua trả tiền trước:

Tiêu chí Doanh thu chưa thực hiện Người mua trả tiền trước
Bản chất Khoản tiền doanh nghiệp nhận trước từ khách hàng cho nhiều kỳ kế toán, sau khi đã thực hiện giao hàng/cung cấp dịch vụ. Khoản tiền khách hàng trả trước khi giao hàng/cung cấp dịch vụ.
Điều kiện ghi nhận
  • Đã giao hàng hoặc thực hiện cung cấp dịch vụ cho bên mua.
  • Bên mua chấp nhận thanh toán.
Chưa giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ cho bên mua.
Thời điểm ghi nhận Khi đã giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ và liên quan đến nhiều kỳ kế toán trong tương lai. Trước khi giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ.
Mục đích sử dụng Ghi nhận doanh thu mà doanh nghiệp đã thực hiện, nhưng chưa hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ theo hợp đồng. Ghi nhận số tiền khách hàng trả trước như một khoản nợ phải trả cho đến thời điểm giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ.
Tài khoản kế toán sử dụng Tài khoản 3387 – Doanh thu chưa thực hiện. Tài khoản 131 – Phải thu khách hàng (hoặc tài khoản liên quan đến phải thu).
Phân loại trên Bảng cân đối kế toán Mục “Doanh thu chưa thực hiện dài hạn” (Mã số 336). Mục “Người mua trả tiền trước ngắn hạn” (Mã số 312).

2. Cách hạch toán doanh thu chưa thực hiện

Căn cứ theo khoản 3, điều 57 Thông tư 200/2014-TT/BTC quy định về phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu như sau:

2.1. Hạch toán doanh thu chưa thực hiện về cho thuê TSCĐ, BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động

Doanh thu của kỳ kế toán được xác định bằng tổng số tiền cho thuê hoạt động TSCĐ, BĐS đầu tư đã thu chia cho số kỳ thu tiền trước cho thuê hoạt động TSCĐ, BĐS đầu tư (trừ trường hợp được ghi nhận doanh thu một lần đối với toàn bộ số tiền nhận trước):

  • Khi nhận tiền của khách hàng trả tr­ước về cho thuê TSCĐ, BĐS đầu tư trong nhiều năm, kế toán ghi nhận phần doanh thu chưa thực hiện theo giá ch­ưa có thuế GTGT như sau:

Nợ các TK 111, 112,… (tổng số tiền nhận trư­ớc)

Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (giá ch­ưa có thuế GTGT)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

  • Từng kỳ kế toán, khi tính và ghi nhận doanh thu ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113, 5117).

  • Nếu hợp đồng cho thuê tài sản không đ­ược thực hiện và phải trả lại tiền cho khách hàng, kế toán ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (giá cho thuê ch­ưa có thuế GTGT)

Nợ TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (số tiền trả lại cho ng­ười đi thuê về thuế GTGT của hoạt động cho thuê TSCĐ không thực hiện được)

Có các TK 111, 112,…(số tiền trả lại).

Ví dụ: Công ty X ký hợp đồng cho thuê văn phòng với công ty Y, thời gian cho thuê là 1 năm kể từ ngày 01/06/2024. Công ty Y cam kết sử dụng tài sản thuê theo đúng mục đích như đã cam kết, giá thuê là 33.000.000 đồng/tháng (đã bao gồm thuế GTGT). Ngày 15/06/2024, công ty Y thanh toán 6 tháng tiền thuê văn phòng với số tiền 180.000.000 đồng.

  • Tại thời điểm nhận tiền trả trước 6 tháng tiền thuê văn phòng của khách hàng, kế toán doanh nghiệp ghi nhận như sau:

Nợ TK 112: 198.000.000

Có TK 3387: 180.000.000

Có TK 3331: 18.000.000

  • Cuối mỗi tháng, kế toán doanh nghiệp ghi nhận doanh thu cung ứng dịch vụ tương ứng.

Nợ TK 3387: 30.000.000

Có TK 511: 30.000.000

MISA meInvoice – Phần mềm hóa đơn điện tử đứng đầu danh sách được Tổng cục Thuế lựa chọn
TƯ VẤN & DEMO 1:1 CÙNG CHUYÊN GIA MIỄN PHÍ!

2.2. Trường hợp bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp

  • Khi bán hàng trả chậm, trả góp thì ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của kỳ kế toán theo giá bán trả tiền ngay, phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay ghi vào tài khoản 3387 “Doanh thu chưa thực hiện”, ghi:

Nợ các TK 111, 112,131,…

Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (theo giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)

Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331).

  • Hàng kỳ, tính, xác định và kết chuyển doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

  • Khi thực thu tiền bán hàng trả chậm, trả góp trong đó gồm cả phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay, ghi:

Nợ các TK 111, 112,…

Có TK 131 – Phải thu của khách hàng.

  • Đồng thời ghi nhận giá vốn hàng bán:
    • Nếu bán sản phẩm, hàng hoá, ghi:

Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán

Có các TK 154 (631), 155, 156, 157,…

    • Nếu thanh lý, bán BĐS đầu tư, ghi:

Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147) (số hao mòn luỹ kế – nếu có)

Có TK 217- BĐS đầu tư.

Ví dụ: Công ty X ký hợp đồng cung cấp văn phòng phẩm cho công ty Y với giá trị hàng hóa là 176 triệu đồng (đã bao gồm VAT), thời hạn thanh toán là 60 ngày kể từ ngày bên bán hoàn thành cung ứng hàng hóa. Do thời gian thanh toán lâu hơn so với thời gian thu nợ bình quân của công ty X (theo quy định là 20 ngày) nên theo chính sách công ty X thì công ty Y sẽ phải thanh toán khoản phí để có được thỏa thuận thanh toán chậm, mức phí 5% kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thanh toán, phí trả chậm được phân bổ cho 6 tháng.

Ngày 01/06/2024, công ty Y xác nhận đã nhận được đơn hàng và cam kết thanh toán cho công ty X theo quy định trên hợp đồng.

  • Tại thời điểm hoàn thành việc giao hàng cho công ty Y, kế toán ghi nhận doanh thu tương ứng như sau:

Nợ TK 131: 180.400.000

Có TK 511: 160.000.000

Có TK 3331: 16.000.000

Có TK 3387: (5% x 176.000.000)/2 = 4.400.000

  • Hàng tháng kế toán hạch toán doanh thu tài chính (phí trả chậm được phân bổ đều cho 6 tháng).

Nợ TK 3387: 733.333

Có TK 515: 733.333

  • Tại thời điểm nhận tiền thanh toán của công ty Y, kế toán nhận như sau:

Nợ TK 112: 180.400.000

Có TK 131: 180.400.000

2.3. Doanh thu phát sinh từ chương trình dành cho khách hàng truyền thống

a) Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong chương trình dành cho khách hàng truyền thống, kế toán ghi nhận doanh thu trên cơ sở tổng số tiền thu được trừ đi phần doanh thu chưa thực hiện là giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ cung cấp miễn phí hoặc số tiền chiết khấu, giảm giá cho khách hàng:

Nợ các TK 112, 131

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

b) Khi hết thời hạn quy định của chương trình, nếu khách hàng không đáp ứng được các điều kiện để hưởng các ưu đãi như nhận hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu giảm giá, người bán không phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán cho khách hàng, kế toán kết chuyển doanh thu chưa thực hiện thành doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

c) Khi khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện của chương trình để được hưởng ưu đãi, khoản doanh thu chưa thực hiện được xử lý như sau:

  • Trường hợp người bán trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu, giảm giá cho người mua, khoản doanh thu chưa thực hiện được kết chuyển sang ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ tại thời điểm thực hiện xong nghĩa vụ với khách hàng (đã chuyển giao hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc đã chiết khấu, giảm giá cho khách hàng):

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

  • Trường hợp bên thứ ba là người cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc chiết khấu giảm giá cho khách hàng thì thực hiện như sau:
    • Trường hợp doanh nghiệp đóng vai trò là đại lý của bên thứ ba, phần chênh lệch giữa khoản doanh thu chưa thực hiện và số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba đó được ghi nhận là doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán với bên thứ ba, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (phần chênh lệch giữa doanh thu chưa thực hiện và số tiền trả cho bên thứ ba được coi như doanh thu hoa hồng đại lý)

Có các TK 111, 112 (số tiền thanh toán cho bên thứ ba).

    • Trường hợp doanh nghiệp không đóng vai trò đại lý của bên thứ ba (giao dịch mua đứt, bán đoạn), toàn bộ khoản doanh thu chưa thực hiện sẽ được ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba, số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba được ghi nhận vào giá vốn hàng bán, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Đồng thời phản ánh số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba là giá vốn hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có các TK 112, 331.

Ví dụ: Công ty X triển khai chương trình khách hàng thân thiết, khách hàng mua hàng sẽ được thực hiện tích lũy điểm thưởng để đổi lấy hàng hóa miễn phí. Khách hàng mua hàng trị giá 200 triệu đồng, thuế GTGT 10%. Giá trị hợp lý của hàng hóa miễn phí là 10 triệu đồng.

Ghi nhận doanh thu bán hàng

Doanh thu từ bán hàng = 200.000.000– 10.000.000 = 190.000.000
Thuế GTGT phải nộp = 190.000.000 x 10% = 19.000.000

Bút toán:

Nợ TK 112 (Tiền gửi ngân hàng): 200.000.000
Có TK 511 (Doanh thu bán hàng): 190.000.000
Có TK 33311 (Thuế GTGT phải nộp): 19.000.000
Có TK 3387 (Doanh thu chưa thực hiện): 10.000.000

Khi khách hàng đủ điều kiện đổi hàng hóa miễn phí

Bút toán:

Nợ TK 3387 (Doanh thu chưa thực hiện): 10.000.000
Có TK 511 (Doanh thu bán hàng): 10.000.000

Khi khách hàng không đủ điều kiện đổi hàng hóa miễn phí

Bút toán:

Nợ TK 3387 (Doanh thu chưa thực hiện): 10.000.000
Có TK 511 (Doanh thu bán hàng): 10.000.000

Nếu bên thứ ba cung cấp hàng hóa

Tổng giá trị phải thanh toán cho bên thứ ba là 9 triệu đồng.

Bút toán:

Nợ TK 3387: 10 triệu đồng
Có TK 511: 1 triệu đồng (hoa hồng đại lý)
Có TK 112: 9 triệu đồng

Nếu công ty mua đứt bán đoạn hàng hóa từ bên thứ ba

Bút toán ghi nhận doanh thu:

Nợ TK 3387: 10 triệu đồng
Có TK 511: 10 triệu đồng
Bút toán ghi nhận giá vốn:

Nợ TK 632: 9 triệu đồng
Có TK 112: 9 triệu đồng

hạch toán doanh thu chưa thực hiện

2.4. Khi bán và thuê lại TSCĐ là thuê tài chính có giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại

  • Khi hoàn tất thủ tục bán tài sản, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:

Nợ các TK 111, 112,… (tổng giá thanh toán)

Có TK 711- Thu nhập khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)

Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.

Đồng thời ghi giảm TSCĐ:

Nợ TK 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn) (nếu có)

Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).

  • Định kỳ, kết chuyển chênh lệch lớn hơn (lãi) giữa giá bán và giá trị còn lại của tài sản cố định bán và thuê lại ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với thời gian thuê tài sản, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có các TK 623, 627, 641, 642,…

Ví dụ: Công ty A có bán một máy móc dùng cho sản xuất có nguyên giá 500.000.000 đồng, đã hao mòn lũy kế 200.000.000 đồng. Giá bán chưa có thuế GTGT cho công ty cho thuê tài chính là 360.000.000 đồng và đã thu bằng chuyển khoản, sau đó thuê lại với giá 360.000.000 đồng, lãi suất 10%/năm, chưa bao gồm thuế, thời gian thuê 3 năm. Công ty A phải hạch toán như thế nào?

Khi bán máy móc, kế toán ghi nhận:

Nợ TK 811: 300.000.000;

Nợ TK 2141: 200.000.000;

Có TK 2111: 500.000.000;

Nợ TK 1121: 396.000.000;

Có TK 711: 300.000.000;

Có TK 3387: 60.000.000;

Có TK 33311: 36.000.000.

Khi thuê lại máy móc, kế toán ghi nhận:

Nợ TK 212: 360.000.000;

Nợ TK 1331: 36.000.000;

Có TK 3412: 396.000.000.

2.5. Trường hợp chưa phân bổ hết khoản lãi chênh lệch tỷ giá của giai đoạn trước hoạt động

Doanh nghiệp thực hiện kết chuyển toàn bộ số lãi chênh lệch tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi:

Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

Ví dụ: Trước khi thông tư 200 có hiệu lực, công ty X có khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ hết là 200 triệu đồng, đã ghi nhận vào TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện.

Sau khi Thông tư 200 có hiệu lực, công ty X cần kết chuyển toàn bộ lãi chênh lệch tỷ giá này vào doanh thu hoạt động tài chính để xác định kết quả kinh doanh.

Bút toán điều chỉnh theo thông tư 200

Kết chuyển khoản lãi chênh lệch tỷ giá tài khoản 3387 vào TK 515

Nợ TK 3387: 200 triệu đồng
Có TK 515: 200 triệu đồng

Chi tiết bút toán:

  • Nợ TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện: 200 triệu đồng
    Khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ được ghi nhận vào TK 3387
  • Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính: 200 triệu đồng
    Khoản lãi chênh lệch tỷ giá này được chuyển vào doanh thu hoạt động tài chính để xác định kết quả kinh doanh.

3. Xuất hóa đơn cho doanh thu chưa thực hiện như thế nào?

Doanh thu chưa thực hiện phải xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật. Khi thu tiền vẫn xuất hóa đơn nhưng chưa ghi nhận doanh thu.

Phần mềm hóa đơn điện tử MISA MeInvoice – Tự động hóa 80% nghiệp vụ xử lý & quản lý hóa đơn đầu vào giúp công việc của kế toán dễ dàng, nhanh chóng, không lo sai sót.

banner phần mềm hóa đơn điện tử misa

Phần mềm mang đến nhiều tiện ích nổi bật như:

  • Tự động ĐỒNG BỘ 100% HÓA ĐƠN từ hàng loạt nhà cung cấp
  • Tự động PHÂN TÍCH, KIỂM TRA & CẢNH BÁO tính chính xác, hợp pháp, hợp lệ của: Thông tin hóa đơn, thông tin chữ ký số, trạng thái hoạt động của người bán; cảnh báo nhà cung cấp nào nằm trong đối tượng rủi ro về thuế
  • Tự động ĐỒNG BỘ HÓA ĐƠN lên phần mềm kế toán
  • Quản lý, lưu trữ hóa đơn tập trung trên 1 nền tảng duy nhất, tránh thất lạc

Để doanh nghiệp dễ dàng sử dụng, MISA hỗ trợ tối đa chi phí triển khai hóa đơn điện tử. Khách hàng có nhu cầu dùng thử MIỄN PHÍ phần mềm hóa đơn điện tử MISA meInvoice của MISA vui lòng ĐĂNG KÝ tại:

Dùng thử hóa đơn điện tử